Điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng

Hiện nay, không có biện pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng hoàn toàn – bao gồm cả nguyên nhân nguyên phát hay thứ phát. Mục đích chính của điều trị là làm giảm triệu chứng, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống và làm chậm tiến triển của quá trình thoái hóa.

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là lựa chọn ưu tiên trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng. Thông thường, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm để tác động toàn diện đến tiến triển của bệnh.

48403458 – asian senior with back pain medicine

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến trong điều trị đau do các bệnh xương khớp. Ban đầu, bệnh nhân được chỉ định dùng Paracetamol với hàm lượng 500mg/ 4 – 6 lần/ ngày. Tuy nhiên nếu không có đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định biệt dược phối hợp giữa Paracetamol với Tramadol hoặc Codein. Đối với cơn đau có mức độ nặng, có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau gây nghiện (opioids).
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được sử dụng để giảm đau và cải thiện hiện tượng viêm do thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và tăng nguy cơ đột quỵ nên chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn. Các NSAID thường được dùng trong điều trị thoái hóa cột sống bao gồm Celecoxib, Piroxicam, Meloxicam, Diclofenac, Etoricoxib,… Trong trường hợp cơn đau xuất hiện khu trú ở thắt lưng, có thể dùng thuốc NSAID bôi ngoài da 2 – 3 lần/ ngày để giảm tác dụng phụ và các tình huống rủi ro.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Corticoid là thuốc ức chế miễn dịch, kháng dị ứng và chống viêm mạnh. Loại thuốc này có thể được tiêm tại vùng cột sống thắt lưng để giảm đau nhức và kháng viêm trong trường thoái hóa cột sống nặng. Tuy nhiên, tiêm corticoid tại chỗ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề nên chỉ thực hiện tối đa 2 – 3 lần/ năm.
  • Thuốc ức chế IL1: Thuốc ức chế IL 1 (Diacerein) là loại thuốc chống viêm có tác dụng chậm. Loại thuốc này không gây ức chế tổng hợp prostaglandin như NSAID mà chủ yếu chống viêm bằng cách ức chế sự di chuyển của đại thực bào, thực bào và ngăn chặn sản xuất lẫn hoạt động của chất trung gian gây viêm cytokine IL-1b. Do đó, Diacerein có thể được sử dụng trong thời gian dài để giảm viêm và đau nhức do thoái hóa cột sống thắt lưng gây ra.
  • Piascledine: Piascledine (Cao toàn phần không xà phòng hóa của đậu nành và quả bơ) có tác dụng chống thấp khớp và chống viêm tác dụng chậm. Loại thuốc này có khả năng kích thích tổng hợp proteoglycans (thành phần chính của sụn khớp), thúc đẩy sản sinh collagen và ức chế enzyme collagenase tuýp II (men gây hủy hoại mô sụn, xương).
  • Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Các loại thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm như Chondroitin, Glucosamine và MSM được sử dụng để điều trị thoái hóa cột sống trong thời gian dài. Các loại thuốc này có khả năng phục hồi, tái tạo đĩa đệm, sụn khớp, ức chế các enzyme gây hư hại mô sụn và cải thiện độ dẻo dai của hệ thống xương khớp.

Các loại thuốc tác dụng chậm được khuyến khích sử dụng trong thời gian dài để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và phục hồi cấu trúc cột sống bị tổn thương. Ngược lại, thuốc điều trị triệu chứng chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn và cần giảm liều hoặc ngưng sử dụng ngay khi có thể. Lạm dụng các loại thuốc này có thể gây tổn thương gan, thận, dạ dày, tăng nguy cơ đột quỵ, loãng xương,…

2. Vật lý trị liệu

Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp đồng thời với vật lý trị liệu nhằm kiểm soát triệu chứng, giảm đau nhức và hạn chế mức độ chèn ép lên rễ thần kinh. Ngoài ra, tác động cơ học từ phương pháp này còn giúp ổn định cấu trúc cột sống và cải thiện chức năng vận động đáng kể.

Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng:

  • Các bài tập thể dục
  • Chiếu tia hồng ngoại
  • Liệu pháp bùn nóng, suối khoáng
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Kéo nắn cột sống
  • Tập cơ dựng lưng

Vật lý trị liệu cho tác dụng chậm hơn so với dùng thuốc. Tuy nhiên phương pháp này có độ an toàn cao, hiệu quả lâu dài. Đồng thời không chỉ giúp kiểm soát triệu chứng mà còn hỗ trợ cải thiện chức năng vận động và giảm chèn ép lên rễ thần kinh. Vì vậy, bệnh nhân nên phối hợp sử dụng thuốc và vật lý trị liệu để đạt được hiệu quả tối ưu.

3. Phẫu thuật (điều trị ngoại khoa)

Điều trị ngoại khoa là lựa chọn cuối cùng đối với bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng. Trên thực tế, bác sĩ chỉ yêu cầu phẫu thuật trong những trường hợp sau:

  • Đi kèm với thoát vị đĩa đệm
  • Trượt đốt sống gây đau thần kinh tọa dai dẳng, kéo dài và hay tái phát
  • Xuất hiện biến chứng hẹp ống sống
  • Đi kèm với các dấu hiệu chèn ép rễ thần kinh có mức độ nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, lao động và chất lượng cuộc sống nhưng không có đáp ứng khi điều trị nội khoa
  • Đĩa đệm bị thoái hóa nghiêm trọng (xem xét thay đĩa đệm nhân tạo)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *