Thoái hóa đốt sống nói chung và thoái hóa cột sống thắt lưng nói riêng là hệ quả do nhiều yếu tố cộng hưởng như tuổi tác, tính chất nghề nghiệp, tiền sử chấn thường, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và yếu tố di truyền.
Mặc dù xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau nhưng cơ chế chính của thoái hóa cột sống thắt lưng là do đĩa đệm và sụn khớp phải chịu áp lực quá tải trong nhiều năm liên tục, dẫn đến phần xương dưới sụn và sụn khớp bị tổn thương, dây chằng bao xung quanh khớp bị xơ xứng và đĩa đệm mất tính đàn hồi.
Sự thoái hóa và suy yếu của các cơ quan cấu thành cột sống thắt lưng chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra các triệu chứng và biến chứng của thoái hóa cột sống.
1. Thoái hóa cột sống thắt lưng nguyên phát
Thoái hóa cột sống thắt lưng nguyên phát đề cập đến tình trạng bệnh xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Khi tuổi tác lên cao, đĩa đệm, dây chằng, sụn khớp và đốt sống có xu hướng bị thoái hóa, suy yếu và tổn thương dần theo thời gian.
Ngoài ra, quá trình thoái hóa còn thúc đẩy hoạt động phá hủy mô xương và làm chậm quá trình tái tạo, phục hồi. Chính vì vậy, người trung niên và cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc các chứng bệnh xương khớp mãn tính cao hơn so với người trẻ.
Nếu xảy ra do nguyên phát (ảnh hưởng của tuổi tác cao), thoái hóa cột sống thường khởi phát muộn (trên 60 tuổi) và tiến triển tương đối chậm. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, triệu chứng của thoái hóa cột sống nguyên phát có thể nhẹ hơn so với những nguyên nhân thứ phát.
2. Thoái hóa cột sống thắt lưng thứ phát
Thoái hóa cột sống thắt lưng thứ phát đề cập đến các nguyên nhân có thể gây tổn thương và thoái hóa cột sống – ngoại trừ yếu tố tuổi tác. Nếu xảy ra do các nguyên nhân và yếu tố này, bệnh có thể xảy ra sớm hơn (khoảng 45 – 55 tuổi), tốc độ thoái hóa diễn ra nhanh chóng và triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn so với nguyên nhân nguyên phát.


Một số nguyên nhân đẩy nhanh quá trình thoái hóa vùng cột sống thắt lưng, bao gồm:
- Do thói quen sinh hoạt, lao động: Như đã đề cập, thoái hóa cột sống là hệ quả do sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực quá tải trong một thời gian dài. Chính vì vậy, bệnh lý này có thể là hệ quả do một số thói quen lao động và sinh hoạt như lao động quá sức, khuân vác vật nặng, ngồi nhiều, thường xuyên ngồi xổm, ngồi và nằm sai tư thế,…
- Chấn thương cột sống: Chấn thương được xem là nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa cột sống thắt lưng – chỉ đứng sau yếu tố tuổi tác. Tác động cơ học trực tiếp lên cột sống có thể gây tổn thương mô sụn, làm nứt rách đĩa đệm, kéo căng dây chằng,… Theo thời gian, các cơ quan cấu thành cột sống có xu hướng thoái hóa dần và gây ra bệnh thoái hóa cột sống.
- Hệ quả của các bệnh xương khớp khác: Thoái hóa cột sống thắt lưng cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng của bệnh lao cột sống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, trượt đốt sống, loãng xương,… Các bệnh lý này làm cấu trúc cột sống mất cân bằng, dẫn đến tăng áp lực lên đĩa đệm, mô sụn và đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
3. Yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng cũng tăng lên đáng kể khi có các yếu tố thuận lợi sau:
- Cấu trúc cột sống bất thường (do chấn thương hoặc bẩm sinh)
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến cột sống
- Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin, canxi, Omega 3
- Thừa cân, béo phì
- Giới tính nữ (đặc biệt là nữ giới đã bước vào giai đoạn mãn kinh)
- Tiền sử chấn thương cột sống thắt lưng và các cơ quan lân cận
- Sử dụng các loại thuốc làm giảm khả năng hấp thu và tăng thải canxi qua thận như thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc chống viêm corticoid
- Mắc các bệnh lý nội tiết và chuyển hóa như tiểu đường, cường giáp/ suy giáp,…